Sử dụng vật liệu tái chế giúp giảm tác động phát thải carbon của sản phẩm.

Mục tiêu của chúng tôi là một ngày nào đó có thể sản xuất toàn bộ sản phẩm Apple bằng 100% vật liệu tái chế hoặc tái tạo. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi cần sử dụng thành phần vật liệu tái chế nhiều hơn trong thiết kế của các thiết bị, ngoài ra các vật liệu này phải được thu hồi khi kết thúc vòng đời sản phẩm. Nhờ sử dụng vật liệu tái chế và tái tạo, chúng tôi giảm bớt mức độ lệ thuộc vào hoạt động khai khoáng, vận chuyển và chế biến vật liệu thô, qua đó cắt giảm dấu chân carbon đồng thời bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá.

Nhôm là một trong những vật liệu được chúng tôi sử dụng nhiều nhất, chiếm đến hơn một phần tư dấu chân carbon trong quy trình sản xuất sản phẩm năm 2015. Do đó, chúng tôi đã phát triển một dạng vật liệu 100% là hợp kim tái chế nhưng vẫn đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về hiệu năng và độ bền của chúng tôi.

Tất cả các phiên bản iPad thuộc dòng sản phẩm của chúng tôi, bao gồm phiên bản iPad Air mới, đều sử dụng 100% nhôm tái chế cho phần vỏ máy, tương tự như các phiên bản Apple Watch Series 7, Apple Watch SE, MacBook Air, Mac mini cũng như MacBook Pro 14 inch và 16 inch. Hiện tại, vật liệu bằng nhôm chiếm chưa đến 10% dấu chân carbon trong quy trình sản xuất sản phẩm của chúng tôi.

Mỗi sản phẩm của Apple đều chứa các vật liệu có thể tái sử dụng để chế tạo thiết bị mới. Nghiên cứu từ Phòng Thí Nghiệm Phục Hồi Vật Liệu ở Texas giúp chúng tôi thu hồi được nhiều khối kết cấu vật liệu cơ bản này hơn bằng hệ thống công cụ và công nghệ hiện đại.

Các robot tháo lắp Daisy và Dave của chúng tôi sẽ tháo rời thiết bị và linh kiện của iPhone để thu hồi lại các vật liệu quan trọng như vàng, cô-ban, thép và vonfam. Các vật liệu thu về sẽ được đưa trở lại thị trường vật liệu thô, nhờ vậy chính Apple, hoặc các cá nhân, tổ chức khác có thể sử dụng vật liệu tái chế cho thế hệ sản phẩm tiếp theo.